Lượt xem: 530

Cựu chiến binh Phan Văn Nhãn làm kinh tế giỏi

Sau khi rời quân ngũ trở về với cuộc sống đời thường, nhiều Cựu chiến binh lại tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, cần cù lao động, vươn lên làm giàu chính đáng. Đồng chí Phan Văn Nhãn, ấp Phương Thạnh 2, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú là một điển hình như vậy.

 


Tham quan Doanh nghiệp cừ tràm Nhãn Tuyết của Cựu chiến binh Phan Văn Nhãn (người phía trước)

 

    Chúng tôi đến thăm gia đình khi đồng chí Nhãn đang cùng tốp nhân công tất bật chuyển tràm lên xà lan theo đơn đặt hàng. Với dáng người nhỏ nhắn nhưng hoạt bát, nhanh nhẹn, ít ai nghĩ rằng người nông dân này năm nay đã 53 tuổi. Niềm nở đón tiếp chúng tôi, đồng chí cho biết: “Tôi sinh năm 1968 tại ấp Phương Thạnh 2, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 1987, theo tiếng gọi của Tổ quốc, cũng như bao chàng trai trẻ thời bấy giờ, tôi viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ vào quân đội. Sau thời gian huấn luyện tại Củ Chi, tôi được điều sang làm nghĩa vụ quốc tế ở nước bạn Campuchia, tham gia chiến đấu trong một đơn vị thuộc Sư đoàn 307, Quân đoàn 4. Đến năm 1991, được phục viên trở về địa phương tại ấp Phương Thạnh 2, xã Hưng Phú”.

    Đến năm 1992, đồng chí xây dựng gia đình ra ở riêng, được cha mẹ cho 5 công ruộng để làm ăn sinh sống. Mặc dù vợ chồng ông đã bỏ ra bao công sức cải tạo, gieo trồng, chăm sóc nhưng vùng đất nhiễm phèn, ngập lụt quanh năm cũng chỉ canh tác 1 vụ lúa bấp bênh nên cuộc sống đã khó khăn lại càng thêm khó khăn khi gia đình có thêm thành viên mới. Không chùn bước trước khó khăn, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, đồng chí quyết định vay mượn gia đình, bạn bè để đầu tư thuê máy móc lên liếp chuyển đổi hết diện tích trồng lúa sang trồng mía. Để giải quyết khó khăn trước mắt, ngoài thời gian chăm sóc vườn mía, tận dụng mùa nước nổi, đồng chí còn cắm câu, giăng lưới và làm thuê, làm mướn để tăng thu nhập lo cho cuộc sống gia đình. Những khi nông nhàn, đồng chí đi tham quan học hỏi kỹ thuật chăm sóc mía để nâng cao trữ đường, rồi tới các cơ sở ép mía đường để tìm kiếm đầu ra cũng như kinh nghiệm thu mua. Đến mùa thu hoạch ngoài sản lượng mía của gia đình, đồng chí còn thu gom mía của bà con trong khu vực bán lại cho các nhà máy đường, tạo được đầu ra ổn định cho gia đình và người dân ở địa phương, tránh tình trạng “được mùa, mất giá”. Do cần cù, chịu khó, đặc biệt là nhạy bén với thị trường, nên chỉ sau 3 năm, đồng chí đã trả xong số tiền đầu tư và có tích lũy một phần đáng kể để tái sản xuất và lo cho con ăn học.

    Sau nhiều năm tích góp có được số vốn kha khá, đồng chí xây dựng nhà cửa khá khang trang, sắm sửa tiện nghi sinh hoạt, là một trong số ít hộ khá giả ở địa phương thời điểm đó. Tìm hiểu bí quyết làm giàu, đồng chí giãi bày tâm sự: “Có được cơ ngơi như ngày hôm nay, tôi cũng đã trải qua rất nhiều biến cố thăng trầm, có thời điểm trắng tay phải bắt đầu làm lại từ đầu”. Năm 2000 thấy nghề nuôi tôm sú đang phát triển, đồng chí quyết định bán hết 5 công đất mía cùng toàn bộ số vốn tích góp được xuống Hà Tiên mua đất đào áo nuôi tôm sú với mong muốn nhanh chóng làm giàu. Nhưng sau 4 năm bám trụ vùng đất Hà Tiên thì toàn bộ số vốn dành dụm được đều đổ sông đổ biển, buộc đồng chí phải sang toàn bộ số ao hồ lại cho người khác để lấy vốn trở về quê tiếp tục mua bán mía rồi sau đó mở rộng thêm lĩnh vực mua bán tràm. Để mở rộng quy mô sản suất và tạo công ăn việc làm cho hội viên cựu chiến binh và lao động ở địa phương, năm 2018, đồng chí đăng ký thành lập Doanh nghiệp Tư nhân Nhãn Tuyết chuyên cung cấp cừ tràm các loại cho các công trình xây dựng trong và ngoài tỉnh. Qua đó đã góp phần nâng giá trị cây tràm của nông dân từ 80 triệu đồng/1ha lên từ 110 tới 150 triệu đồng/1 ha. Hiện nay doanh nghiệp của đồng chí tạo việc làm 15 lao động thường xuyên ở địa phương (trong đó có 03 hội viên cựu chiến binh) với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng; riêng lao động đốn tràm thì mức lương từ 6 tới 7 triệu đồng/người/tháng. Kết quả doanh thu của doanh nghiệp hằng năm đạt từ 2 - 2,1 tỷ đồng. Trừ mọi chi phí thuế, lương nhân công và các khoản đóng góp khác, mỗi năm lợi nhuận từ mua bán tràm trên dưới 200 triệu đồng.

    Ngoài mua bán tràm, đồng chí còn tranh thủ thời gian tận dụng chuồng trại nuôi heo bỏ trống để nuôi lươn thương phẩm. Năm 2021, đồng chí bán ra thị trường trên 2 tấn lươn thương phẩm với giá từ 120.000 - 150.000 ngàn đồng/1kg tùy theo trọng lượng, lợi nhuận trên 50 triệu đồng.


Cựu chiến binh Phan Văn Nhãn thứ nhất từ phải sang hướng dẫn tham quan hồ nuôi lươn thương phẩm

 

    Không chỉ là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, đồng chí Nhãn còn nhiệt tình tham gia các phong trào hoạt động Hội, thường xuyên giúp đỡ những gia đình hội viên cựu chiến binh và nhân dân ở địa phương có hoàn cảnh khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vốn sản xuất... giúp họ từng bước phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo ổn định cuộc sống. Ngoài ra, đồng chí và gia đình còn là tấm gương sáng trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, cùng Chi hội Cựu chiến binh ấp Phương Thạnh 2, xã Hưng Phú làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành và thực hiện nghiêm mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động của địa phương. Mỗi năm, gia đình đồng chí đều đóng góp ủng hộ các loại quỹ ở địa phương, giúp các hộ nghèo vượt khó, trẻ em nghèo đến trường, người già neo đơn, người nghèo ốm đau… trên 19,6 triệu đồng.

    Với những kết quả đạt được, nhiều năm liền đồng chí được công nhận là hội viên gương mẫu, gia đình đạt chuẩn văn hóa, được UBND huyện và các cấp Hội tặng nhiều giấy khen. Năm 2021, đồng chí được Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng Danh hiệu “Hội viên sản xuất kinh doanh giỏi” và được UBND tỉnh tặng Bằng khen.

    Cần cù trong lao động, năng động, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, Cựu chiến binh Phan Văn Nhãn ở ấp Phương Thạnh 2, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú, trở thành tấm gương điển hình giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, chính là đại diện tiêu biểu cho ý chí và nghị lực của những người lính Cụ Hồ trong cuộc sống thời bình, là tấm gương sáng cần được nhân rộng để cán bộ, hội viên cựu chiến binh Sóc Trăng học tập noi theo./.

Mạnh Điệp



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 50
  • Hôm nay: 125
  • Trong tuần: 70,552
  • Tất cả: 11,802,559